Chẳng cần làm gì, doanh nghiệp ngồi rung đùi cả năm cũng thu 700 tỷ đền bù đất

08/10/2022 08:56
Chẳng cần làm gì, doanh nghiệp này 'ngồi không' cả năm cũng thu 700 tỷ từ đền bù đất

 

Với mảng kinh doanh chính là trồng cây cao su tự nhiên, năm 2022 CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) thu về xấp xỉ 700 tỷ đồng từ đền bù đất, thế nhưng giá cổ phiếu PHR lại giảm mạnh nhất so với các công ty cùng ngành.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của CTCP Cao su Phước Hoà (PHR), công ty mẹ đạt doanh thu 542 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng 328% so với cùng kỳ. Với kết quả này, PHR hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Kết quả này có được nhờ thu nhập từ đền bù đất một lần đạt mức 289 tỷ đồng. Theo ước tính, PHR sẽ ghi nhận thêm khoản thu nhập từ đền bù đất lên đến 401 tỷ đồng trong quý 4/2022. Như vậy, tổng số tiền nhận được từ đền bù đất trong năm nay có thể đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Con số này đủ để đảm bảo cho Cao su Phước Hoà hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 408 tỷ đồng của cả năm, bất chấp việc nửa đầu năm nay công ty mới chỉ hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận.

Chẳng cần làm gì, doanh nghiệp ngồi rung đùi cả năm cũng thu 700 tỷ đền bù đất

Dự kiến từ năm 2024, PHR sẽ ghi nhận thu nhập liên quan đến khu công nghiệp thông qua các công ty liên doanh (VSIP 3 và KCN Nam Tân Uyên). cho thuê khu công nghiệp VSIP 3 (1.000 ha) và khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (351 ha).

Trước đó, HĐQT của PHR đã trình lên công ty mẹ, Tập đoàn Cao Su Việt Nam, 2 phương án hợp tác với VSIP để phát triển dự án VSIP III. Cụ thể, phương án 1, do không thể lập liên doanh nên doanh nghiệp kiến nghị tập đoàn xem xét cho nhận tiền đền bù hỗ trợ tối thiểu 2,5 tỷ/ha và chia nhiều đợt theo tiến độ triển khai dự án, bàn giao đất. Với phương án 2, doanh nghiệp trình tập đoàn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh và tỷ lệ góp vốn của Phước Hòa là 20% vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án.

Dự án VSIP 3 có tổng quy mô khoảng 1.000 ha, trong đó có 691 ha được phát triển trên đất trồng cao su của PHR. Theo phương án bồi thường, công ty nhận khoản đề bù với giá 1,3 tỷ/ha – tương đương tổng giá trị 898 tỷ đồng và 20% lợi nhuận từ dự án (nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ/ha, tương đương 830 tỷ đồng). Ban lãnh đạo công ty chia sẻ trong năm nay dự kiến ghi nhận 691 tỷ đồng tiền bồi thường và 207 tỷ còn lại vào 2023.

Mặc dù vậy, so với cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành, giá cổ phiếu PHR đang ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất về giá kể từ đầu năm với mức giảm lên đến 30%. Đóng cửa phiên giao dịch 06/10, PHR có mức giá 49.900 đồng/cp. Thực tế giá cổ phiếu này sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 với mức giảm tương đương mức giảm kể từ đầu năm.

Trong khi đó, so với cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành, như cổ phiếu DPR của Cao su Đồng Phú cũng đã giảm 21,5% kể từ đầu năm, còn 56.400 đồng/cp. Cổ phiếu TRC của CTCP Cao su Tây Ninh giảm 16%, còn 36.700 đồng/cp. Cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng giảm 21,37% còn 16.300 đồng/cp.

Trong khi đó, cổ phiếu HRC của CTCP Cao su Hoà Bình thậm chí còn tăng 7,54% kể từ đầu năm và đang được giao dịch ở mức giá 57.000 đồng/cp.

 

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Chẳng cần làm gì, doanh nghiệp ngồi rung đùi cả năm cũng thu 700 tỷ đền bù đất - Tài Chính