Đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi...

02/10/2022 04:16

Trường ca Nơi khôn thiêng của biển (nhà thơ Lương Hữu Quang, nhà xuất bản Lao Động) là tác phẩm được thực hiện trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2018. Cùng năm, tác phẩm được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Trường ca viết về Trường Sa và những người lính đảo, về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và biển đảo hôm nay. "Ai đó trong đêm hỏi tôi/Đảo là gì/Tổ quốc là gì...", "Ai đó trả lời thay trong đêm/đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi/là tiếng rì rầm dẳng dai nỗi nhớ/là vầng mặt trời bằng nước/đỏ rực bốn mùa..." - trích những câu thơ viết trong phần Lời mở.

Đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi...

Tập trường ca Nơi khôn thiêng của biển là sách được đầu tư sáng tác, không bán

Trường Sa và Hoàng Sa với đảo Cô Lin, Gạc Ma, đảo Chữ Thập, Cồn Cỏ, "từ gốc đa làng tới chân đảo/chạy từ cánh đồng xanh ngắt tới chậu đất mỏng manh/đang nâng niu mầm cây" được nhắc đến trong những vần thơ viết cho biển đảo. Hình ảnh người lính Trường Sa được miêu tả: "Người lính đảo/Khuôn mặt lấp ló buổi bình minh/Số phận thấp cao con sóng/Trí khôn phập phồng cơn giông/Tình yêu sóng sánh ánh sao Hôm/bàn tay gom nắng trắng/dấu chân chồng dấu chân tôn cao cột mốc/đầu đội mảnh thời gian xanh/mắt khoanh vùng hải phận...".

Bằng lời nói của đêm, bằng tiếng thì thầm của biển khơi và "lời của mây trên nóc nhà", câu chuyện của đất liền - hải đảo, của mẹ - con, Tổ quốc và Trường Sa, lịch sử và hiện tại, chiến tranh và hòa bình đã được nhà thơ Lương Hữu Quang dựng lại trong mạch thơ dâng trào tình yêu dành cho nơi đầu sóng.

"Đảo ở giữa trùng khơi/Như con tàu ngược sóng/Tàu có thể lật/Nếu vắng con của mẹ/Đảo có thể chìm/Nếu vắng con của mẹ..." - trích phầnVới mẹ những lời thưa. "Vắng con của mẹ", đảo có thể"gió dừng lại ngang trời, mưa chẳng rơi, chiều xô lệch chiều, cuồng phong giật gấp vạn lần, hải âu phiêu dạt, chẳng con thuyền nào bình an qua lại...''.

Đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi...

"Một ngày thẳng đứng nắng và gió/thẳng đứng bóng lá bàng vuông che bóng hoa/bóng hoa che cho cát/và cát luân chuyển thời gian..." (Ảnh nhìn từ hải đăng đảo Song Tử Tây)

Trường ca gồm các phần: Lời mở, Bắt đầu từ đảo sóng, Không chỉ là cái chết, Với mẹ những lời thưa, Tượng đài chắn những giông bão xâm lăngVọng tới xưa sau. Những vần thơ cất lời thiết tha yêu biển và cũng là lời tri ân cho những người đã ngã xuống vì đất nước. Những vần thơ viết cho hôm nay và mai sau. Không ai và không điều gì có thể bị lãng quên, trên từng tấc đất, trên từng dấu chân nơi hải đảo.

"Tôi lại thấy màu xanh hội ngờm ngợp/những chiến binh trở về/từ một ngàn năm trước, từ năm trăm năm trước/từ xửa xưa và ngay hôm qua/Trở về những gương mặt khác nhau/nhưng chung nhau dòng máu/giữ cho vững đảo này...", "Những chiến binh đứng thành hàng quanh đảo/đứng trên trời sao chói lói nhìn về/Mệnh lệnh trầm trầm vang lên từ trong sâu thẳm/và muôn triệu lời chập lại: Có tôi!" - những câu thơ xúc động khép lại tập trường ca với muôn lời bi tráng.

Nhà thơ Lương Hữu Quang (sinh năm 1965) từng là bộ đội, ông cũng từng nhận được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2010 cho tập thơ Gọi cánh buồm xanh. Năm 2011, tập thơ Những câu thơ ngoái lại được trao tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2011. Trường ca Nơi khôn thiêng của biển được trao giải B giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Các tác phẩm được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (xuất bản từ 2015-2019), mảng văn học gồm có: Chim sắt bay qua vùng bão (truyện ký, Võ Thu Hương), Chuyện năm 1968 (truyện ký, Trầm Hương), Trên con đường ấy - Trường Sơn (thơ, Lê Quang Trang), Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại (truyện ký, Đỗ Viết Nghiệm), Nơi khôn thiêng của biển (trường ca, Lương Hữu Quang) và Symphony ký ức đồng khởi ở Boston (tiểu thuyết, Đỗ Viết Nghiệm).

Song Giang

     
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi... - Đời Sống