Thêm lực đẩy cho các công trình trọng điểm

18/09/2022 07:22
Hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong những tháng cuối năm 2022, hướng tới việc phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19.

 

Hà Nội 'mạnh tay' đầu tư cho nhà ở xã hội Hà Nội tìm cách giải 'bài toán' phát triển công trình xanh

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai gồm: 1, 2, 2,5, 3, 3,5, 4, 5 kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

“Thúc” tiến độ các công trình giao thông

Trong đó, Dự án đường Vành đai 4 đã được Quốc hội “bấm nút” thông qua chủ trương đầu tư, đây là tuyến vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Đặc thù của Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Để sớm hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm như đường Vành đai 4, bên cạnh việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư, thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch đẩy nhanh giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo mặt bằng sạch, đồng thời lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đủ năng lực.

Thêm lực đẩy cho các công trình trọng điểm

Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trong năm 2022.

Đơn cử, vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra một số công trình dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn và chủ trì làm việc với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.

Trong chuyến kiểm tra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, tiến độ thi công 2 dự án Xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án Xây dựng nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, Ban Quản lý dự án Giao thông chỉ đạo các nhà thầu liên quan quyết tâm thông xe dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3 vào ngày 10/10 tới đây để bảo đảm giảm ùn tắc giao thông. Còn với dự án cầu Vĩnh Tuy 2 cố gắng thông xe vào dịp 2/9/2023.

Trong khi đó, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, các đơn vị đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, thông xe các dự án theo kế hoạch: Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 vào dịp 10/10/2022; cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch vào cuối năm 2022.

Với Dự án Cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên, hiện Ban đang phối hợp thỏa thuận để cấp phép thi công, lên phương án phân luồng giao thông và tiếp tục triển khai thi công các hạng mục còn lại của đoạn tuyến 1, 2, 4 (1,4km) trong năm 2022 và riêng đoạn 3 (2,3km) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Hướng đến mục tiêu giải ngân trên 90%

Không chỉ có các ban, ngành địa phương, việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm tại Hà Nội, một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.

Mới nhất, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 272/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã rất tích cực kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, kết quả bình quân giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt khoảng 30% (khoảng 15.323 tỷ đồng).

Kể từ nay đến cuối năm 2022, thành phố Hà Nội cần hạn chế dàn trải vốn đầu tư, xác định rõ dự án ưu tiên, kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (không vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục).

“Mục tiêu đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân và tạo động lực mới cho địa phương phát triển, phấn đấu đến ngày 31/12/2022 giải ngân đạt trên 90%”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Thành phố cần rà soát những dự án đã ghi vốn trong năm 2022 nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31/12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, kịp thời có phương án xử lý phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật (đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đất đai, tài nguyên), tạo thuận lợi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Mộc Miên

Theo Nguồn vnbusiness.vn

Thêm lực đẩy cho các công trình trọng điểm - Thị Trường