Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi là còn mãi

08/11/2022 02:35

Nhiều người nói “người Sài Gòn tánh kỳ”, cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng giàu có gì. Mảnh đất Sài Gòn - TPHCM là vậy, ai dù ở đâu đến đây sinh sống cũng bị “lây” cái tính kỳ đó. Không ồn ào, không phô trương, những tấm lòng nhân ái cứ âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua những khó khăn.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi là còn mãi

Thành viên CLB chụp ảnh cưới miễn phí hỗ trợ chú rể khuyết tật di chuyển đến nơi chụp ảnh. Ảnh: HỒNG HÀI

Dìu nhau vượt khó

Những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh đã qua cả năm nay, nhưng nhiều người dân ở huyện Bình Chánh vẫn nhớ đến những con cá tươi, bó rau xanh được ông Nguyễn Văn Hồng, một nông dân trong huyện trao tặng.

Ông Nguyễn Văn Hồng mà người dân nhắc đến là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, là người làm giàu từ nghề nuôi cá tra. Ông Hồng cho biết, những ngày TPHCM giãn cách xã hội, bà con mua thực phẩm khó khăn, mà thực phẩm tươi sống lại càng khó. Bà con thiếu thốn, trong khi ao sẵn cá, ông đã quyết định kéo cá tặng bà con. Kéo hết ao nhà mình, ông bỏ tiền túi thu mua cá của những ao lân cận, rồi thông qua chính quyền địa phương tặng lại cho bà con.

Ở xã Bình Hưng này còn nhiều bà con làm nghề nuôi trồng. Mảnh vườn, cái ao vẫn là kế sinh nhai chính của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có những hộ làm hoài không khá. Là người có nhiều năm nuôi cá tra và cũng có của ăn, của để từ nghề này, ông Hồng tự nhủ cứ 2 năm sẽ hỗ trợ 2 hộ gia đình sống được và sống khá bằng việc nuôi cá. Nghĩ là làm, năm 2015, ông bắt đầu tặng 50.000 con cá giống, giá trị hơn 130 triệu đồng, cho 2 hộ gia đình và hỗ trợ họ kỹ thuật nuôi trong 2 năm.

Đến nay, đã có 6 gia đình thoát nghèo, trả hết nợ, xây được nhà cửa khang trang nhờ ao cá và sự đồng hành, động viên của ông Hồng.

Cái tình, cái nghĩa của ông Hồng với người dân xã Bình Hưng cứ nối dài từ việc làm này đến việc làm khác, từ chuyện riêng đến chuyện chung của bà con. Ở xã có mấy tuyến đường chưa được trải nhựa nên sau mỗi mùa mưa lại xuống cấp trầm trọng. Ông Hồng đã đứng ra vận động hội viên hội nông dân đóng góp kinh phí để nâng cấp. Tuyến đường Liên ấp (từ Cầu Trắng đến Xóm Chày) dài hơn 2km, trong số kinh phí nâng cấp hơn 400 triệu đồng thì bản thân ông đóng góp 200 triệu đồng.

“Lá lành đùm lá rách” luôn là đức tính tốt đẹp của nhiều thế hệ người Việt. Ở bất cứ đâu cũng có thể thấy những bàn tay đưa ra nắm những bàn tay khác cùng vượt qua những ngày tháng cơ cực của cuộc sống. Như gia đình bà Nguyễn Thị Bích Liên (ngụ phường 14, quận Gò Vấp) có 3 mẹ con bị tai biến. Trụ cột chính trong nhà là người cháu ngoại Nguyễn Thanh Hùng. Vậy nhưng với nghề bảo vệ, dù thường xuyên đăng ký tăng ca, anh Hùng cũng không đủ sức lo vẹn toàn cái ăn, cái mặc, tiền thuốc men cho cả nhà. Hơn 10 năm qua, bờ vai của anh Hùng bớt nhọc nhằn hơn khi luôn có sự đồng hành của Hội Bác Ái Giáo xứ Thạch Đà (quận Gò Vấp).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, thành viên Hội Bác Ái Giáo xứ Thạch Đà, cho biết, hơn 16 năm nay, các thành viên trong hội âm thầm đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn quanh khu vực Giáo xứ Thạch Đà. Ban đầu, hội chỉ có năm, bảy người tham gia nấu cơm cho người khó khăn. Thấy việc làm ý nghĩa, số người tham gia tăng lên 10, 20 rồi 250 người. Không chỉ nấu cơm, hội còn chăm lo thường xuyên cho 200 gia đình không có khả năng thoát nghèo (những gia đình có nhiều người bệnh nan y, người già neo đơn). Mỗi tháng, hội sẽ hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để những gia đình này đủ sử dụng trong tháng. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình không còn cảnh chạy ăn từng bữa.

Ngay giữa trung tâm quận 1, khuất sau những ánh điện hào nhoáng của khu phố Tây Bùi Viện còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong một lần đi cơ sở, ông Trần Văn Thanh, Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 thấy căn nhà của gia đình bà Bùi Thị Hoa (số 169/4 Bùi Viện) xuống cấp trầm trọng. Ông đã lấy hết tiền tiết kiệm được 45 triệu đồng và vận động mạnh thường quân thêm 5 triệu đồng xây lại nhà cho bà Hoa. Trước đó, ông Thanh cũng đã tặng hết tiền dành dụm 25 triệu đồng để sửa chữa nhà cho bà Trần Thị Bạch Yến (ngụ hẻm 183 Bùi Viện).

Tính ông Thanh là vậy, ai khó khăn, giúp được là ông giúp. Trong những năm qua, ông đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh từ đau bệnh, khó khăn đến hỗ trợ việc làm cho những người cai nghiện ma túy, những trường hợp hoàn lương trở về địa phương.

Chỉ mong nhận lại nụ cười

Sáng chủ nhật đầu tháng 11-2022, người đi tập thể dục ở công viên Phú Lâm (quận 6, TPHCM) thấy thú vị khi có hơn 10 cô dâu, chú rể đang cùng nhau chụp ảnh cưới. Xung quanh cô dâu, chú rể có rất nhiều thanh niên hỗ trợ sửa áo quần, chỉnh từng kiểu đứng, nhắc từng nụ cười. Khoảng 10 thợ chụp hình đang lia máy để giữ từng khoảnh khắc đẹp cho cô dâu, chú rể. Ít ai biết, buổi chụp ảnh cưới này hoàn toàn miễn phí từ trang điểm, quần áo, chụp hình đến ra album ảnh. Các tay máy hầu hết là thợ xịn, đến từ CLB chụp ảnh cưới miễn phí. Anh Liêng Trần Ngọc Trung Hiếu, Chủ nhiệm CLB chụp ảnh cưới miễn phí, đưa tay lau vội mồ hôi trên trán, mỉm cười: “Anh em có mệt nhưng vui, vì chúng tôi biết sau tấm ảnh cưới là niềm vui, hạnh phúc của các cặp đôi”.

CLB chụp ảnh cưới miễn phí ra đời năm 2016, do anh Nguyễn Viết Hải thành lập. Trong một lần biết đến CLB, anh Trung Hiếu thấy việc làm ý nghĩa nên đăng ký tham gia. Để có chiếc máy ảnh, anh Trung Hiếu gom góp số tiền tiết kiệm hơn 15 triệu đồng mua máy. Rồi chính sự lan tỏa tính nhân văn của việc giúp các cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn được lưu lại khoảnh khắc đẹp, dần dần người tham gia CLB càng nhiều. “Nhiều người khó khăn đến độ không dám đi chụp một tấm hình cưới để làm kỷ niệm, nên khi nhận tấm ảnh đẹp, nhiều người rơi nước mắt vì hạnh phúc. Và đó chính là niềm vui, là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình” anh Trung Hiếu chia sẻ.

Đến nay, CLB đã giúp hơn ngàn cặp đôi khó khăn tại TPHCM và các tỉnh, thành có tấm ảnh cưới đẹp làm kỷ niệm. Với các đôi quá khó khăn, CLB giới thiệu họ tham gia lễ cưới tập thể để họ có được một đám cưới tràn đầy hạnh phúc. Ngoài ra, các thành viên CLB còn tham gia chụp và in ảnh tặng bệnh nhân nghèo tại phiên chợ 0 đồng do Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức vào các dịp tết. “Một vài cặp đôi sau khi được chụp ảnh cưới đã quay lại tham gia CLB. Nhiều cặp vợ chồng nên duyên từ bộ ảnh cưới do CLB chụp tặng, họ có con và đã trở lại CLB với mong muốn con mình được nhận các thành viên CLB là cha, mẹ đỡ đầu. Niềm vui của các thành viên CLB chỉ cần có thế”, anh Trung Hiếu bày tỏ.

Thương hoàn cảnh của bệnh nhân nghèo, 16 năm qua, Bếp chay thiện nguyện chùa Bảo Vân, nằm tại số 23/21A Nơ Trang Long, phường 7 (quận Bình Thạnh) luôn đỏ lửa để ngày 2 buổi đều đặn trao các phần cơm miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Từng có người nhà nằm điều trị bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị Thu, quản lý tại Bếp chay thiện nguyện chùa Bảo Vân, hiểu những khó khăn, thiếu thốn của gia đình bệnh nhân nên như một cái duyên, 16 năm trước, bà Thu biết đến bếp chay và tham gia cho đến nay.

Rồi cứ thế, người đi trước truyền tai người đến sau để ngày 2 bữa đến bếp nhận cơm chay. Nhờ đó, nhiều gia đình bệnh nhân tiết kiệm được một số tiền để dành điều trị bệnh. Bà Thu cho biết, toàn bộ nhân viên tại bếp đều làm thiện nguyện, mỗi tháng sẽ có một nhóm mới đến thay thế nhóm cũ. Trước đây, mỗi ngày bếp phát 4.000 suất cơm, đến nay còn khoảng 2.000 suất.

Bà Thu chia sẻ, không ít lần bệnh nhân đến quá đông, cơm không có đủ để phát, thấy ánh mắt họ buồn, bà Thu thấy cay cay nơi sống mũi. Chính điều đó khiến bà Thu cùng các thành viên cố gắng để bếp duy trì lâu dài. Ngoài phát cơm, bếp cũng hỗ trợ chi phí điều trị cho những bệnh nhân nghèo. Tất cả những việc làm này xuất phát từ cái tâm, tấm lòng của các thành viên bếp, mong muốn tạo điều kiện để giúp người bệnh thêm cơ hội tiếp tục điều trị.

Cái “tánh kỳ” của người Sài Gòn - TPHCM chính ở những câu chuyện ấy!

Ở phường 2, quận 6, vài bữa người ta lại thấy ông Nguyễn Viết Quản, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố 1, khăn gói lên đường dăm bữa, nửa tháng. Suốt 14 năm qua, ông lặn lội trở lại những vùng đất nơi đơn vị mình chiến đấu ngày xưa và đến từng nghĩa trang ở Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… để tìm đồng đội.

Ông Quản cho biết, những năm qua ông miệt mài thực hiện lời thề “Sau này đất nước thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha đất tổ” của những chàng trai tuổi 20 trước trận đánh ở chân núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Lời hứa ấy chưa một ngày ngừng thôi thúc ông lên đường. Nay tập bản đồ vẽ nơi ông chôn đồng đội đã vơi đi, hồ sơ hài cốt liệt sĩ ngày càng dày lên, những chuyến vào Nam ra Bắc ngày càng nhiều. Và 111 hài cốt liệt sĩ đã được ông tìm về, trong số đó, gần 44 hài cốt đã được đưa về quê cha đất tổ.

PHƯƠNG UYÊN - THÁI PHƯƠNG

Từ khoá :

Theo Nguồn www.sggp.org.vn

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi là còn mãi - Doanh Nhân