Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà

26/04/2022 04:32
Ngoài các cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai, Chính phủ cũng đề xuất nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án vào khu kinh tế Vân Phong.

Ngoài các cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai, Chính phủ cũng đề xuất nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án vào khu kinh tế Vân Phong.

Phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/4 đã cho ý kiến, thảo luận về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người thừa uỷ quyền Chính phủ đọc tờ trình, cho biết 6 trong 10 cơ chế đề xuất ở dự thảo này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương trước đó.

"Việc áp dụng các cơ chế đặc thù này cho Khánh Hoà không làm tăng bội chi, trần nợ công của Chính phủ và vẫn tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tỉnh", ông Dũng cho biết.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị quyết lần này là Chính phủ đề xuất có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Khu kinh tế Vân Phong. Đây là khu kinh tế được Chính phủ định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, khác biệt, hiện đại đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.

Cơ chế đó là ưu đãi cho nhà đầu tư về thủ tục hải quan, thuế, hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường, tái định cư cũng như tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm với lĩnh vực, ngành nghề sẽ đầu tư; phải cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện an ninh quốc phòng.

Nhà đầu tư chiến lược còn có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và kinh phí để đào tạo nghề tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án. Họ sẽ không được hưởng ưu đãi và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân.

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà

Một góc cảng Vân Phong, thuộc Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hoà, tháng 3/2022. Ảnh: Anh Minh

Ban quản lý khu kinh tế thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án. Các quyết định, kết quả phê duyệt sau đó được gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Khánh Hoà để theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất cho Khánh Hoà áp dụng các cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai, tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khỏi mô hình đầu tư công...

Về quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch xây dựng khu chức năng, đô thị được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh được phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quyết định.

Với đất đai, HĐND tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo uỷ quyền của Thủ tướng.

Riêng với thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo Luật Đất đai với dự án ngoài ngân sách, có quy mô từ 300 ha trở lên. Chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư dự án tại hai khu vực này được tiến hành song song với việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và xác minh nguồn gốc đất. Kết quả điều tra, xác minh này cũng được dùng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư....

Về quản lý tài chính, Khánh Hoà sẽ được bổ sung tối đa 70% số tăng thu so với dự toán Thủ tướng giao. Tỉnh này cũng được vay tối đa 60% số thu ngân sách được hưởng thông qua phát hành trái phiếu địa phương, các tổ chức nước ngoài, trong nước và từ nguồn vay về cho vay lại của Chính phủ... Tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, tỉnh được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023.

HĐND tỉnh Khánh Hoà được sử dụng ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, UBND tỉnh được cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển cho tổ chức, cá nhân trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Địa phương sẽ hỗ trợ toàn bộ phí mua bảo hiểm tai nạn cho lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; 80% phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai với thuỷ sản thuộc khu vực biển ngoài 6 hải lý và khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý. Mức hỗ trợ là 60% với vùng biển 3-6 hải lý.

Dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ 1/8 năm nay và kéo dài trong 5 năm.

Hiện cả nước có 8 tỉnh, thành phố đã áp dụng cơ chế đặc thù, gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ.

Anh MinhTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà - Tin Mới